Căn cước công dân được xem như một giấy tờ tùy thân của bất cứ công dân Việt Nam nào. Vậy căn cước công dân chứa những thông tin gì? Tờ khai căn cước công dân là gì?
Căn cước công dân là gì?
Khoản 1 Điều 3 Luật căn cước công dân 2014 quy định Căn cước công dân (CCCD) là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân.
Theo Luật Căn cước công dân năm 2014, các công dân từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước công dân. Những thông tin được in trên thẻ căn cước công dân sẽ được mặc định, không thay đổi. Kể cả khi được cấp lại hay người dân thay đổi nơi ở.
Thông tin trên thẻ Căn cước công dân bao gồm:
– Mặt trước thẻ
+ Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
+ Dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc;
+ Dòng chữ “Căn cước công dân”;
+ Ảnh, số thẻ Căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú;
+ Ngày, tháng, năm hết hạn.
– Mặt sau thẻ
+ Bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa;
+ Vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ;
+ Ngày, tháng, năm cấp thẻ;
+ Họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.
Tờ khai căn cước công dân là gì?
Tờ khai căn cước công dân là mẫu tờ khai được dùng để công dân kê khai thông tin về nhân thân của mình. Khi có yêu cầu cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, khi mà chuyển đổi, thay thế thẻ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân theo quy định. Mẫu ban hành theo quy định tại Thông tư 41/2019/TT-BCA ngày 01/10/2019.
Lấy ảnh tại đây.
Cách điền tờ khai căn cước công dân:
Mục 1. Họ, chữ đệm và tên: ghi đầy đủ họ, chữ đệm và tên theo giấy khai sinh bằng chữ in hoa, có dấu.
Mục 2. Họ, chữ đệm và tên gọi khác (nếu có): chỉ khai nếu trong giấy khai sinh có tên, họ khác và ghi bằng chữ in hoa đủ dấu.
Mục 3. Ngày, tháng, năm sinh: ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh theo giấy khai sinh. Ngày sinh ghi 02 chữ số, năm sinh ghi đủ bốn chữ số. Đối với tháng sinh từ tháng 3 đến tháng 9 ghi 01 chữ số, các tháng sinh còn lại ghi 02 chữ số.
Mục 4. Giới tính: giới tính nam ghi là “Nam”, giới tính nữ ghi là “Nữ”.
Mục 5. Số CMND/CCCD: ghi rõ số CMND/CCCD đã được cấp lần gần nhất (nếu là CMND có 9 số thì 3 ô cuối gạch chéo).
Mục 6, 7. Dân tộc, tôn giáo: ghi dân tộc, tôn giáo như trong giấy khai sinh hoặc giấy tờ chứng nhận dân tộc, tôn giáo của cơ quan có thẩm quyền.
Mục 8. Quốc tịch: ghi quốc tịch như trong giấy khai sinh hoặc giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền.
Mục 9. Tình trạng hôn nhân: ghi tình trạng hôn nhân hiện tại, cụ thể: chưa kết hôn, đã kết hôn hoặc đã ly hôn.
Mục 10. Nhóm máu (nếu có): ghi theo bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu nếu có.
Mục 11. Nơi đăng ký khai sinh: Ghi địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh theo giấy khai sinh. Trường hợp giấy khai sinh không ghi đầy đủ địa danh hành chính theo cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh thì ghi địa danh hành chính theo giấy khai sinh đó. Trường hợp địa danh hành chính có sự thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính mới đã được thay đổi theo quy định.
Mục 12. Quê quán: Ghi địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh theo giấy khai sinh, sổ hộ khẩu. Trường hợp các giấy tờ trên không ghi đầy đủ địa danh hành chính theo cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh thì ghi địa danh hành chính theo giấy tờ đó. Trường hợp địa danh hành chính có sự thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính mới đã được thay đổi theo quy định.
Mục 13. Nơi thường trú: ghi đầy đủ, chính xác theo sổ hộ khẩu. Trường hợp công dân trong biên chế chính thức của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang ở tập trung trong doanh trại, nhà ở tập thể ghi theo giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị cấp cho công dân.
Mục 14. Nơi ở hiện tại: ghi đầy đủ, chính xác nơi ở hiện tại của công dân theo thứ tự số nhà, đường phố; thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc; xã/phường/thị trấn; quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh; tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Mục 15. Nghề nghiệp: ghi rõ nghề nghiệp đang làm, trường hợp là quân nhân đang tại ngũ thì để trống.
Mục 16. Trình độ học vấn: ghi trình độ học vấn cao nhất (tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp, tốt nghiệp trung học phổ thông, tốt nghiệp trung học cơ sở…).
Các mục 17, 18, 19, 20: ghi đầy đủ họ, chữ đệm, tên, quốc tịch vào các mục tương ứng trong biểu mẫu. Phần số CCCD/CMND công dân có thể ghi hoặc không ghi.
Mục 21: ghi đầy đủ họ, chữ đệm, tên, quốc tịch, số CCCD/CMND vào các mục tương ứng trong biểu mẫu.
Mục 22. Yêu cầu của công dân:
– Cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD: trường hợp cấp lần đầu thì ghi cấp mới; trường hợp hư hỏng, hết thời hạn hoặc có sự thay đổi, sai sót thông tin trên thẻ CCCD hoặc công dân có yêu cầu đổi thẻ thì ghi cấp đổi; trường hợp mất thẻ hoặc được trở lại quốc tịch Việt Nam thì ghi cấp lại.
– Chuyển phát thẻ CCCD đến địa chỉ của công dân:
+ Trường hợp công dân cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD có yêu cầu chuyển phát thẻ thì ghi “có” và ghi đầy đủ địa chỉ nhận, số điện thoại liên hệ.
+ Trường hợp công dân cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD không có yêu cầu chuyển phát thẻ thì ghi “không”.
Mục “Ngày….tháng……..năm…”: ghi rõ ngày, tháng, năm công dân khai tờ khai cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.
Mục “KẾT QUẢ XÁC MINH“: công dân không ghi mục này.
Lưu ý: Phần “MÃ VẠCH HAI CHIỀU“, “Thời gian hẹn“, “Tại” chỉ áp dụng đối với trường hợp khai trực tuyến, trong đó:
– Phần mã vạch hai chiều mã hóa toàn bộ thông tin nhân thân của công dân và các thông tin phục vụ quản lý trên Tờ khai Căn cước công dân trực tuyến.
– Mục “Thời gian hẹn“: Công dân đăng ký ngày cụ thể đến cơ quan quản lý căn cước công dân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân;
– Mục “Tại“: Ghi tên cơ quan quản lý căn cước công dân mà công dân đăng ký đến làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
KẾT LUẬN:
Trên đây là một số thông tin về căn cước công dân, tờ khai căn cước công dân và cách điền tờ khai. Đừng quên theo dõi BEPRO để không bỏ lỡ những kiến thức bổ ích nhé! Hoặc tham khảo thêm các dịch vụ của BEPRO tại đây bạn nhé!