Sổ hồng là thuật ngữ quen thuộc của công dân Việt Nam. Nhưng trên thực tế, Nhà nước không có một quy định hay thuật ngữ nào để chỉ cho sổ hồng. Vậy sổ hồng là gì? Tại sao lại có tên gọi như vậy? Đọc hết bài viết dưới, BePro sẽ giải đáp cho bạn những thắc mắc này nhé!
Sổ hồng là gì? Sổ đỏ là gì?
Sổ hồng là cách gọi thông thường của công dân Việt Nam dành cho cuốn sổ có bìa màu hồng. Thực chất tên gọi chính xác theo nhà nước quy định là Giấy chứng nhận về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở do Bộ Xây dựng ban hành. Đây là tên gọi được pháp luật ban hành trước ngày 10/12/2009.
Tương tự với sổ hồng, sổ đỏ là cách gọi mà người dân dựa vào màu sắc của bìa. Tên gọi theo pháp luật quy định là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Loại đất được cấp theo sổ đỏ rất đa dạng, gồm: Đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi thủy sản, đất làm muối và đất làm nhà ở thuộc nông thôn. Đây là tên gọi được ban hành trước ngày 10/12/2009.
Trong quy định về pháp luật đất đai và nhà ở qua các kỳ thì hai thuật ngữ nêu trên đều không được quy định. Đây chỉ là cách phân biệt thông thường của người dân. Từ sau ngày 10/12/2009, khi nghị quyết mới ra đời đã cấp loại giấy chứng nhận mới và có tên gọi khác so với hai thuật ngữ trên. Mặc dù, giấy chứng nhận mới ra đời nhưng hai giấy tờ pháp lý sổ hồng, sổ đỏ vẫn được lưu hành và có giá trị.
Phân biệt sổ hồng với sổ đỏ
Sổ hồng và sổ đỏ là tên gọi được người dân đặt ra và là hai giấy tờ riêng biệt trước ngày 10/12/2009. Vậy sổ hồng và sổ đỏ khác nhau như thế nào? Cùng BePro tìm hiểu thông qua những tiêu chí dưới đây nhé!
Tiêu chí | Sổ hồng | Sổ đỏ |
Màu sắc | Bìa màu hồng nhạt | Bìa màu đỏ |
Cơ quan ban hành | Bộ Xây dựng ban hành | Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành |
Ý nghĩa | Sổ hồng là tên gọi của Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sở hữu đất ở. Theo đó quy định:
– Trường hợp chủ sở hữu nhà ở là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ đối với nhà chung cư thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở – Trường hợp chủ sở hữu nhà ở không phải là chủ sử dụng đất thì cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Được quy định theo Điều 11 Luật nhà ở 2005. |
Sổ đỏ là tên gọi của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cấp cho người sử dụng đất để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người được giao sử dụng mảnh đất. Được ban hành theo khoản 20 Điều 4 Luật Đất đai 2003. |
Thống nhất sổ hồng và sổ đỏ
Theo đó trước ngày 10/12/2009, ở Việt Nam tồn tại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu đất ở (có bìa màu hồng) và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có bìa màu đỏ). Nhằm đảm bảo sự thống nhất và thuận tiện trong công tác quản lý, Nhà nước đã thống nhất hai loại giấy chứng nhận này thành một.
Ngày 19/10/2009 Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2009/NĐ-CP và ngày 21/10/2009 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT đã thống nhất chỉ cấp một loại Giấy chứng nhận theo mẫu chung với tên gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Giấy chứng nhận chung có màu hồng cánh sen và được lưu hành từ ngày 10/12/2009. Mặc dù, Giấy chứng nhận chung ra đời nhưng hai loại giấy chứng nhận cũ vẫn được chấp nhận và có giá trị pháp lý. Theo đó, người sở hữu hai loại giấy chứng nhận cũ không bắt buộc cấp đổi sang mẫu Giấy chứng nhận mới.
Như vậy thuật ngữ “Sổ hồng” từ ngày 10/12/2009 cho đến nay được hiểu là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Được xem là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu các tài sản khác gắn liền với đất.
Thông tin ghi trong sổ hồng
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành. Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT Giấy chứng nhận gồm 4 trang, được in trên nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen và trang bổ sung là nền trắng. Theo đó, nội dung từng trang thể hiện:
- Trang 1: Có nội dung quan trọng nhất thể hiện tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Trang 2: Thể hiện thông tin về thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Trang 3: Cung cấp các sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận.
- Trang 4: Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận. Chẳng hạn như khi chuyển nhượng, tặng cho người nào đó sẽ ghi thông tin về việc chuyển nhượng, tặng cho vào trang 3 và trang 4.
- Trang bổ sung Giấy chứng nhận.
Các trường hợp được cấp sổ hồng
Theo khoản 1, Điều 99, Luật Đất đai 2013 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho những trường hợp sau đây:
- Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại các Điều 100, 101 và 102 của Luật Đất đai 2013 (Khi hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc không có giấy tờ nhưng đủ điều kiện cấp).
- Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày 01/7/2014.
- Người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ.
- Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai; theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành.
- Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
- Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
- Người mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất.
- Người được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; người mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
- Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa; nhóm người sử dụng đất hoặc các thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất chia tách, hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có.
- Người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất.
Kết luận
Bài viết trên nhằm cung cấp một số kiến thức về sổ hồng là gì. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn. Đừng quên theo dõi BEPRO để không bỏ lỡ những kiến thức bổ ích nhé! Hoặc tham khảo thêm các dịch vụ của BEPRO tại đây bạn nhé!