Bạn đã từng nghe qua thuật ngữ “Án treo”. Bạn không biết thuật ngữ này là gì? Tại sao không xử phạt tù mà lại phạt án treo? Để giải đáp thắc mắc trên BePro sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin về án treo là gì? Tại sao phải dùng biện pháp án treo? Hãy đọc hết bài viết để tìm ra câu trả lời bạn nhé! 

Án treo là gì? Án treo có phải là hình phạt không?

Theo nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối  quy định “ Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù”.

Theo khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì: “Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”.

Tóm lại, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, áp dụng cho người bị kết án không quá ba năm tù, không buộc họ phải chấp hành hình phạt tù khi có những tình tiết giảm nhẹ nhằm khuyến khích họ cải tạo thành công và trở thành công dân có ích. Mặc khác đây cũng là một cảnh cáo, nếu trong quá trình cải tạo mà tiếp tục vi phạm thì sẽ tiến hành bản án phạt tù. 

Án treo không phải là hình phạt mà nó là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. 

Điều kiện hưởng án treo là gì?

Theo Điều 2 nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP, người phạt tù có thể được xem xét nếu có đầy đủ các điều kiện hưởng án treo như sau:

  1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm.
  2. Có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự 

Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

  1. Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

  1. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

  1. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Những trường hợp không cho hưởng án treo? 

Trong cuộc sống việc gì cũng có ngoại lệ và hưởng án treo cũng vậy. Theo Điều 2 nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP, pháp luật quy định những trường hợp không được hưởng án treo như sau: 

  1. Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
  2. Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị truy nã.
  3. Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.
  4. Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.
  5. Người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.
  6. Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Thời gian thử thách của án treo

Theo khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì: “Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”.

Theo Điều 4 nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP “Khi cho người phạm tội hưởng án treo, Tòa án phải ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm”.

Ở đây sẽ xảy ra 3 trường hợp:

  • Trường hợp thứ nhất, người bị kết án chưa bị tạm giam thì thời gian thử thách bằng 02 lần hình phạt tù nhưng không được dưới 01 năm và quá 05 năm.
  • Trường hợp thứ hai, người bị kết án đã bị tạm giam thì thời gian thử thách sẽ được tính bằng cách lấy mức phạt tù trừ đi thời gian tạm giam sau đó nhân với 02 lần mức hình phạt án treo nhưng không được dưới 01 năm và quá 05 năm. 
  • Trường hợp thứ ba, Tòa án có thể ấn định thời gian thử thách ngắn hơn nhưng phải được ghi rõ trong bản án.  

Thời điểm tính thời gian thử thách của án treo

Theo Điều 5 nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP, thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thachs được quy định như sau: 

  1. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.
  2. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.
  3. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.
  4. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
  5. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần đầu.
  6. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.
  7. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.
  8. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Hậu quả pháp lý của việc vi phạm điều kiện thử thách của án treo 

Theo Khoản 5 Điều 65 Luật hình sự 2015 quy định “Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này”. 

Người bị phạt án treo có được rời khỏi địa phương đang hưởng án không?

Người bị phạt án treo có thể rời khỏi địa phương đang hưởng án nếu có lý do chính đáng và xin phép theo quy định và phải thực hiện khai báo tạm vắng. Mỗi lần vắng mặt không quá 60 ngày và được quy định cụ thể  tại điều 92 Luật Thi hành án Hình sự 2019. 

Người bị phạt án treo có được đi làm không?

Người bị phạt án treo vẫn được đi làm và tạo điều kiện tìm việc làm ở nơi họ cư trú. Điều này được quy định ở Điều 88 Luật Thi hành án hình sự 2019 như sau:

  1. Người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người lao động nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức thì được bố trí công việc bảo đảm yêu cầu giám sát, giáo dục, được hưởng tiền lương và chế độ khác phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm, được tính vào thời gian công tác, thời gian tại ngũ theo quy định của pháp luật.
  2. Người được hưởng án treo được cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận học tập thì được hưởng quyền lợi theo quy chế của cơ sở đó.
  3. Người được hưởng án treo không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú tạo điều kiện tìm việc làm.
  4. Người được hưởng án treo thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, người đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

Người bị phạt án treo có được đi bầu cử không?

Theo Khoản 1 Điều 30 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: “Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri”.

Do đó, công dân đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo, nếu không bị tước quyền bầu cử thì vẫn có quyền bầu cử và được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình cư trú để tham gia bầu. 

Kết luận

Bài viết trên đã cung cấp một số thông tin về án treo là gì? Hy vọng bài viết hữu ích với bạn. Đừng quên theo dõi BEPRO để không bỏ lỡ những kiến thức bổ ích nhé! Hoặc tham khảo thêm các dịch vụ của BEPRO tại đây bạn nhé!

Liên kết trang web

Liên kết fanpage

 

Thẻ: án treo

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI VIẾT MỚI NHẤT