Công chức là thuật ngữ quen thuộc trong các văn bản hành chính ở Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ và nắm bắt được những thông tin chính xác về công chức. Bạn muốn tìm hiểu về công chức là gì? Phân loại công chức ra sao? Công chức khác gì với viên chức? Cùng BePro tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
Công chức là gì?
Theo Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở các cấp; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội mà không phải là sĩ quan, quân nhân hay công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Ví dụ về một số đối tượng là công chức như: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, tỉnh, Thẩm phán, Thư ký Tòa tại Tòa án nhân dân các cấp,…
Phân biệt công chức, viên chức
Để phân biệt công chức và viên chức, trước hết người đọc cần hiểu rõ viên chức là gì. Theo đó viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Ví dụ như: Giáo viên tại các trường học công lập, bác sĩ tại các bệnh viện công lập,…
Một số tiêu chí phân biệt công chức và viên chức mà BePro tổng hợp được, cụ thể:
Tiêu chí |
Công chức |
Viên chức |
Nơi công tác |
– Cơ quan của Nhà nước, của Đảng, những tổ chức chính trị – xã hội các cấp
– Những đơn vị, cơ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam (ngoại trừ các trường hợp là quân nhân, sĩ quan chuyên nghiệp và công nhân viên quốc phòng) – Những đơn vị, cơ quan của Công an nhân dân Việt Nam (ngoại trừ các trường hợp là hạ sĩ quan, sĩ quan chuyên nghiệp) – Những người thuộc bộ máy quản lý, lãnh đạo tại các đơn vị sự nghiệp công lập |
Tại những đơn vị sự nghiệp công lập |
Nguồn gốc |
Được nhận vào làm việc thông qua hình thức bổ nhiệm hoặc tuyển dụng vào từng chức vụ, chức danh, từng ngạch tương ứng với từng vị trí công việc | Được nhận vào làm việc qua quy trình tuyển dụng phù hợp với từng vị trí công việc |
Thời gian tập sự |
– Đối với công chức loại C là 12 tháng
– Đối với công chức loại D là 06 tháng |
Từ 03 đến 12 tháng tùy theo quy định tại hợp đồng làm việc |
Hợp đồng làm việc |
Không làm việc theo chế độ hợp đồng mà làm việc theo biên chế suốt đời | Thực hiện công việc theo chế độ hợp đồng |
Chế độ tiền lương |
Tiền lương do ngân sách nhà nước chi trả (trừ những công chức là quản lý, lãnh đạo tại các đơn vị công lập, họ sẽ hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập họ đang công tác) | Tiền lương được chi trả từ quỹ lương của chính đơn vị sự nghiệp công lập mà họ đang công tác |
Bảo hiểm xã hội |
Không cần đóng bảo hiểm thất nghiệp | Phải đóng bảo hiểm thất nghiệp |
Hình thức kỷ luật |
Một số hình thức như: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc
|
Một số hình thức như: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc |
Căn cứ |
– Luật cán bộ, công chức năm 2008
– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức 2019 |
– Luật viên chức 2010
– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức 2019 |
Phân loại công chức
Căn cứ Điều 34 Luật cán bộ, công chức năm 2008 sửa đổi và bổ sung bởi Khoản 4 Điều 1 Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 (Có hiệu lực từ 01/07/2020) quy định phân loại công chức thành những dạng sau:
Căn cứ vào ngạch được bổ nhiệm, công chức được phân loại như sau:
- Loại A: Gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương
- Loại B: Gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương
- Loại C: Gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương
- Loại D: Gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân viên.
Căn cứ vào vị trí công tác, công chức được phân loại như sau:
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
- Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức là gì?
Sau khi đã tìm hiểu về công chức là gì, nhiều người đặt ra câu hỏi điều kiện để được đăng ký dự tuyển công chức. Theo đó, những người đủ các điều kiện dưới đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, tín ngưỡng, thành phần xã hội, tôn giáo được đăng ký dự tuyển công chức:
- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam
- Đủ 18 tuổi trở lên
- Có văn bằng và chứng chỉ phù hợp
- Có đơn đăng ký dự tuyển và có lý lịch rõ ràng
- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt
- Đảm bảo đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ
- Các điều kiện khác theo yêu cầu của từng vị trí dự tuyển
Dưới đây là một số trường hợp không được đăng ký dự tuyển công chức, người đọc nên lưu ý. Cụ thể:
- Không cư trú tại Việt Nam
- Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự
- Người đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích
- Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
Quyền lợi và nghĩa vụ của công chức
Quyền lợi
Quyền lợi của công chức là gì? Theo đó, công chức sẽ được cơ quan nhà nước trao cho những quyền sau:
- Quyền được bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ: Được cơ quan, tổ chức giao quyền tương xứng với nhiệm vụ; bảo đảm trang thiết bị cũng như điều kiện làm việc đầy đủ; quyền được cung cấp các thông tin liên quan; quyền được đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn,…
- Quyền được Nhà nước bảo đảm tiền lương tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao: Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, các phí và chế độ khác, hỗ trợ các công chức ở những khu vực khó khăn,…
- Được nghỉ phép hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ để giải quyết việc riêng theo quy định của Luật lao động
- Quyền được bảo đảm học tập, nghiên cứu, tham gia chế độ bảo hiểm xã hội,….
Nghĩa vụ
Nghĩa vụ của công chức là gì? Theo đó công chức có những nghĩa vụ sau:
- Đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân: Trung thành với Đảng, Nhà nước; bảo vệ danh dự của Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng nhân dân, tận tụy và phục vụ dân; liên hệ chặt chẽ với dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân;……
- Trong thi hành công vụ: Công chức phải thực hiện đúng, đủ và chịu trách nhiệm về những việc làm của mình; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy;…..
- Ngoài ra, công chức còn phải thực hiện một số nghĩa vụ quy định tại cơ quan, tổ chức nơi mình công tác.
Kết luận
Bài viết trên nhằm chia sẻ một số kiến thức về công chức là gì? Hy vọng bài viết hữu ích với bạn. Đừng quên theo dõi BEPRO để không bỏ lỡ những kiến thức bổ ích nhé! Hoặc tham khảo thêm các dịch vụ của BEPRO tại đây bạn nhé!