Điều kiện để xuất, nhập cảnh ra nước ngoài là người dân phải có hộ chiếu. Vậy làm hộ chiếu cần những giấy tờ, thủ tục gì và có khó hay không? Hãy cùng BePro tìm hiểu ngay bài viết này nhé!

Hộ chiếu là gì? 

Theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (Luật Xuất nhập cảnh), hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.

Trên hộ chiếu gồm các thông tin như: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại.

Có mấy loại hộ chiếu?

Theo Thông tư 73/2021/TT-BCA, có 03 loại hộ chiếu gồm:

Hộ chiếu ngoại giao (Diplomatic Passport)

Trang bìa màu nâu đỏ (mẫu HCNG): Cấp cho quan chức cấp cao của Nhà nước được quy định tại Điều 8 Luật Xuất nhập cảnh; được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác.

Hộ chiếu ngoại giao là loại hộ chiếu được cấp cho các quan chức ngoại giao của chính phủ đi nước ngoài công tác. Những người được cấp hộ chiếu ngoại giao thường giữ chức vụ cao trong hệ thống cơ quan của nhà nước như: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bộ trưởng, thứ Trưởng của Bộ Tài Chính, Bộ Nội Vụ, Bộ Công An hay Bộ Tư Pháp,…

Hộ chiếu có giá trị trong vòng 05 năm kể từ ngày cấp, được quyền đến tất cả các nước. Người cầm hộ chiếu này có quyền ưu tiên qua các cổng ưu tiên đặc biệt khi nhập cảnh và được ưu tiên miễn visa nhập cảnh theo quy định của nước đến.

Hộ chiếu ngoại giao được cấp tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Sở Ngoại vụ.

Hộ chiếu công vụ (Official Passport)

Trang bìa màu xanh lá cây đậm (mẫu HCCV): được cấp cho đối tượng thuộc Điều 9 Luật Xuất nhập cảnh như cán bộ, công chức, viên chức, Công an, Quân đội… được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác.

Hộ chiếu công vụ là loại hộ chiếu được cấp cho các quan chức chính phủ đi nước ngoài do công vụ của nhà nước.

Hộ chiếu có giá trị trong vòng 05 năm kể từ ngày cấp, được quyền đến tất cả các nước. Người cầm hộ chiếu này có quyền ưu tiên qua các cổng đặc biệt khi nhập cảnh và được ưu tiên miễn visa nhập cảnh theo quy định của nước đến. 

Hộ chiếu công vụ được cấp tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Sở Ngoại vụ.

Hộ chiếu phổ thông (Popular Passport)

Trang bìa màu xanh tím (mẫu HCPT), cấp cho công dân Việt Nam.

Hộ chiếu phổ thông là hộ chiếu quốc gia, là tài sản của nước CHXHCN Việt Nam được cấp cho công dân có quốc tịch Việt Nam. Hộ chiếu phổ thông được sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam và các nước và cũng được sử dụng thay thế chứng minh nhân dân.

+ Hộ chiếu cấp cho công dân từ 14 tuổi trở lên. Thời hạn không quá 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn.

+ Hộ chiếu cấp cho trẻ em dưới 14 tuổi. Thời hạn không quá 05 năm, tính từ ngày cấp và không được gia hạn.

+ Trường hợp bổ sung trẻ em dưới 9 tuổi vào hộ chiếu đã cấp của cha hoặc mẹ. Thời hạn hộ chiếu của cha hoặc mẹ được điều chỉnh có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày bổ sung trẻ em đó.

Để có hộ chiếu này, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp và nhận kết quả tại Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố.

Về mẫu hộ chiếu, theo Điều 6 Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, có 02 mẫu hộ chiếu gồm:

– Hộ chiếu có gắn chíp điện tử;

– Hộ chiếu không gắn chíp điện tử.

Cả 02 loại này đều được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên.

Riêng công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi hoặc hộ chiếu được cấp theo thủ tục rút gọn chỉ được cấp hộ chiếu không gắn chip điện tử.

Theo Thông tư 73/2021/TT-BCA, quy cách, kỹ thuật chung của hộ chiếu như sau:

– Mặt ngoài của trang bìa in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu; hộ chiếu có gắn chíp điện tử có biểu tượng chíp điện tử;

– Hình ảnh tại các trang trong hộ chiếu là cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam, kết hợp cùng họa tiết trống đồng;

– Ngôn ngữ sử dụng trong hộ chiếu: tiếng Việt và tiếng Anh;

– Số trang trong cuốn hộ chiếu không kể trang bìa: 48 trang đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông có thời hạn 5 năm hoặc 10 năm, 12 trang đối với hộ chiếu phổ thông có thời hạn không quá 12 tháng;

– Kích thước theo tiêu chuẩn ISO 7810 (ID-3): 88mm x 125mm ± 0,75 mm;

– Bán kính góc cuốn hộ chiếu r: 3,18mm ± 0,3mm;

– Chíp điện tử được đặt trong bìa sau của hộ chiếu có gắn chíp điện tử;

– Bìa hộ chiếu là loại vật liệu nhựa tổng hợp, có độ bền cao;

– Chữ, số hộ chiếu được đục lỗ bằng công nghệ laser thông suốt từ trang 1 tới bìa sau cuốn hộ chiếu và trùng với chữ, số ở trang 1;

– Toàn bộ nội dung, hình ảnh in trong hộ chiếu được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả và đạt tiêu chuẩn ICAO.

Thời hạn của hộ chiếu

Theo Luật Xuất nhập cảnh, thời hạn của hộ chiếu được quy định như sau:

– Người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn;

– Người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 05 năm và không được gia hạn;

– Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.

– Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có thời hạn từ 01 năm đến 05 năm; có thể được gia hạn một lần không quá 03 năm.

Người dân có thể làm hộ chiếu ở đâu?

Trong trường hợp cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước, theo Điều 15 Luật Xuất nhập cảnh, người dân có nhu cầu cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; trường hợp có thẻ Căn cước công dân thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi.

Người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thuộc một trong các trường hợp sau đây có thể lựa chọn thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an:

– Có giấy giới thiệu hoặc đề nghị của bệnh viện về việc ra nước ngoài để khám bệnh, chữa bệnh;

– Có căn cứ xác định thân nhân ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật, bị chết;

– Có văn bản đề nghị của cơ quan trực tiếp quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong lực lượng vũ trang, người làm việc trong tổ chức cơ yếu;

– Vì lý do nhân đạo, khẩn cấp khác do người đứng đầu Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an quyết định.

Đối với đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai, người dân được thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi hoặc cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Nếu người dân ở nước ngoài, đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước người đó cư trú. Đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai thực hiện tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi thuận lợi.

Đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, thẩm quyền cấp thuộc về cơ quan Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan được Bộ Ngoại giao ủy quyền.

Theo Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, thẩm quyền cấp hộ chiếu được quy định như sau:

Cấp hộ chiếu phổ thông trong nước
Cấp lần đầu Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Nếu có Căn cước công dân thì được thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi.

Cấp lần thứ hai trở đi Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi hoặc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Cấp hộ chiếu lần đầu thuộc một trong các trường hợp:

– Có giấy giới thiệu hoặc đề nghị của bệnh viện về việc ra nước ngoài để khám bệnh, chữa bệnh;

– Có căn cứ xác định thân nhân ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật, bị chết;

– Có văn bản đề nghị của cơ quan trực tiếp quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong lực lượng vũ trang, người làm việc trong tổ chức cơ yếu;

– Vì lý do nhân đạo, khẩn cấp khác do người đứng đầu Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an quyết định.

 

 

– Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

– Nếu có Căn cước công dân thì được thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi.

– Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài
Cấp lần đầu Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước nơi người đó cư trú.
Cấp lần thứ hai Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi thuận lợi.

 

Làm hộ chiếu cần những gì?

Căn cứ quy định tại các Điều 15, 16 Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, người làm hộ chiếu phổ thông cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:

Hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu

– Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu;

– 02 ảnh chân dung cỡ 4×6 có nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu;

– Các giấy tờ liên quan khác:

+ Đối với người chưa đủ 14 tuổi: Bản sao Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh;

+ Người đã được cấp hộ chiếu: Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất; Nếu hộ chiếu bị mất phải kèm đơn báo mất hoặc thông báo đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền;

+ Trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất: Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân;

– Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người chưa đủ 14 tuổi: Bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp.

Nếu bản chụp không có chứng thực thì phải xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.

Giấy tờ xuất trình khi làm thủ tục

Công dân xuất trình Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng khi làm thủ tục.

Lưu ý đối với cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài

Nếu không có hộ chiếu Việt Nam và giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp thì phải xuất trình giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ làm căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch.

Làm hộ chiếu hết bao nhiêu tiền?

Lệ phí cấp hộ chiếu

Lệ phí cấp hộ chiếu (bao gồm hộ chiếu gắn chíp điện tử và hộ chiếu không gắn chíp điện tử) được quy định tại biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 25/2021/TT-BTC như sau:

Nội dung Mức thu

(Đồng/lần cấp)

Cấp mới hộ chiếu 200.000
Cấp lại hộ chiếu do bị hỏng hoặc bị mất 400.000
Cấp giấy xác nhận yếu tố nhân sự 100.000

Các trường hợp được miễn, hoàn trả lệ phí cấp hộ chiếu

– Theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 25, các trường hợp được miễn lệ phí cấp hộ chiếu bao gồm:

+ Người Việt Nam ở nước ngoài có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu;

+ Người Việt Nam ở nước ngoài phải về nước theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về việc nhận trở lại công dân nhưng không có hộ chiếu;

+ Những trường hợp vì lý do nhân đạo.

– Trường hợp được hoàn trả lệ phí cấp hộ chiếu:

Người đã nộp lệ phí nhưng không đủ điều kiện được cấp hộ chiếu thì được hoàn trả lệ phí cấp hộ chiếu (căn cứ khoản 3 Điều 6 Thông tư 25).

Chính sách giảm lệ phí cấp hộ chiếu

Nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo quy định tại Thông tư 120/2021/TT-BTC, lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành sẽ được giảm 20% từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022:

Theo đó, lệ phí cấp hộ chiếu sẽ được giảm như sau:

– Cấp mới: 160.000 đồng/lần cấp.

– Cấp lại do bị hỏng hoặc bị mất: 320.000 đồng/lần cấp.

– Cấp giấy xác nhận yếu tố nhân sự: 80.000 đồng/lần cấp.

Xin cấp hộ chiếu có dễ không?

Hiện nay, thủ tục xin cấp hộ chiếu phổ thông được quy định rõ, không mang tính đánh đố, người dân có thể dễ dàng thực hiện. Hồ sơ gồm:

– 01 Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu;

– 02 ảnh cỡ 4×6, nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu;

Xem thêm: 12 lưu ý không thể bỏ qua để có ảnh hộ chiếu đẹp và chuẩn

– Chứng minh nhân dân (CMND) hoặc Thẻ căn cước công dân còn giá trị (xuất trình khi nộp hồ sơ để cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh kiểm tra, đối chiếu).

Làm hộ chiếu có lâu không?

Nếu người dân nộp hồ sơ  yêu cầu cấp hộ chiếu tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh: thời hạn giải quyết không quá 08 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

Đối với hồ sơ nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh: thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

Trường hợp đề nghị cấp hộ chiếu tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận.

KẾT LUẬN

Bài viết trên đã cung cấp một số thông tin về hộ chiếu và những giấy tờ cần thiết khi làm hộ chiếu. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn. Đừng quên theo dõi BEPRO để không bỏ lỡ những kiến thức bổ ích nhé! Hoặc tham khảo thêm các dịch vụ của BEPRO tại đây bạn nhé!

Liên kết trang web

Liên kết fanpage

 

Thẻ: #hochieu

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI VIẾT MỚI NHẤT