Bạn là người đang làm việc tại các công ty, tổ chức hay chuẩn bị ký một hợp đồng lao động. Khi bắt đầu những việc đó, bạn lại nhận ra rằng bạn chưa thật sự hiểu rõ các vấn đề liên quan đến luật lao động để đảm bảo quyền lợi cho mình. Vậy thì hãy cùng BePro tìm hiểu về Luật lao động Việt Nam ngay bài viết này nhé!

Luật lao động là gì?

Với vai trò là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam thì Luật Lao động là tổng hợp các quy định pháp luật về điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động và các quan hệ khác có liên quan tới quan hệ lao động như quan hệ việc làm, quan hệ bảo hiểm xã hội, quan hệ học nghề,…

Luật lao động là một khoa học pháp lý chuyên ngành trong chương trình đào tạo luật theo các cấp độ khác nhau, nhằm trang bị cho người học những hiểu biết về quan hệ lao động và các quan hệ liên quan đến quan hệ lao động.

Hệ thống pháp luật lao động hiện hành bao gồm các nội dung sau: 

  • Các quy định về phạm vi điều chỉnh và các nguyên tắc cơ bản của ngành luật; giải thích thuật ngữ
  • Quy định về việc làm; 
  • Quy định về hợp đồng lao động
  • Quy định học nghề, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề
  • Quy định về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể
  • Quy định về tiền lương
  • Quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
  • Quy định kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
  • Quy định về bảo hộ lao động
  • Quy định về bảo hiểm xã hội; quy định về Công đoàn
  • Quy định về giải quyết tranh chấp lao động
  • Quy định về đình công và giải quyết đình công
  • Quy định về quản lý nhà nước về lao động

Đối tượng điều chỉnh của Luật lao động

 Đối tượng điều chỉnh của Luật lao động bao gồm

– Mối quan hệ lao động theo hợp đồng lao động giữa người lao động người sử dụng lao động, người sử dụng lao động có thể là:

+ Các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, các hợp tác xã

+ Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lao động

+ Các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức phi chính phủ hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam

+ Các gia đình, cá nhân sử dụng lao động ở Việt Nam

– Mối quan hệ giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động

– Quan hệ về việc làm giữa người lao động và các chủ thể khác như nhà nước, chủ sử dụng lao động, các tổ chức và cá nhân có liên quan.

– Quan hệ về học nghề giữa người lao động và người sử dụng lao động quan hệ học nghề xã hội phát sinh giữa một người với cơ sở dạy nghề mà trong đó hai bên không có mục đích từ trước tạo lập quan hệ lao động.

– Quan hệ giữa đại diện người sử dụng lao động với đại diện của những người lao động.

– Quan hệ về bồi thường thiệt hại trong quá trình lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động.

– Quan hệ về giải quyết tranh chấp lao động

– Quan hệ về đình công và giải quyết đình công giữa người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước.

– Quan hệ về quản lý lao động giữa Nhà nước và người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện của người lao động, tổ chức của người sử dụng lao động.

Phương pháp điều chỉnh của Luật lao động

Phương pháp thỏa thuận

Đây là phương pháp điều chỉnh quan trọng của luật lao động, phương pháp này được sử dụng trong việc thiết lập quan hệ lao động qua việc thỏa thuận, giao kết hợp đồng lao động hay khi chấm dứt hợp đồng lao động; khi ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động… 

Ví dụ trong hợp đồng lao động, các bên được tự do thỏa thuận, thương lượng về nội dung hợp đồng như vấn đề việc tiền lương, vị trí việc làm, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, quyền và nghĩa vụ của các bên,..

 Phương pháp mệnh lệnh

Nếu như trong một số ngành luật khác, phương pháp mệnh lệnh thể hiện quyền lực của Nhà nước với một bên chủ thể khác thì trong luật lao động, phương pháp mệnh lệnh được dùng để thể hiện quyền uy của người sử dụng lao động đối với người lao động trong khuôn khổ pháp luật quy định. 

Người sử dụng lao động tổ chức và quản lý lao động, xác định nghĩa vụ của người lao động, quy định quyền năng cho người sử dụng lao động như bố trí điều hành người lao động, khen thưởng, xử lý kỷ luật hay việc đặt ra những nội quy, quy chế lao động… khi đó người lao động bắt buộc phải chấp hành theo.

 Phương pháp tác động xã hội

Phương pháp tác động xã hội hay còn gọi là phương pháp thông qua các hoạt động Công đoàn tác động vào các quan hệ phát sinh trong quá trình lao động. Phương pháp tác động xã hội để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình lao động có ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của người lao động phải có sự tham gia của tổ chức công đoàn- là đại diện của người lao động.

Nguyên tắc trong Luật lao động

Bất kỳ bộ luật nào cũng sẽ có những nguyên tắc riêng nhằm đảm bảo tính đặc trưng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân.

Nguyên tắc tự do lao động và tự do thuê mướn lao động

Người lao động có quyền làm việc cho bất kì người sử dụng lao động nào, bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm. Đồng thời, được tự do lựa chọn việc làm theo khả năng và nguyện vọng của mình và có thể tự mình lựa chọn hoặc thông qua các cơ sở, trung tâm dịch vụ việc làm để chọn việc làm. 

Pháp luật cũng không cấm người lao động có thể ký kết một hoặc nhiều hợp đồng lao động với một hay nhiều người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, dù làm việc trong thành phần kinh tế khác nhau thì quyền lợi của người lao động như nhau, không có những ưu đãi khác nhau. Chế độ bảo hiểm xã hội cũng được thống nhất cho mọi người lao động tham gia quan hệ lao động. Người lao động cũng có quyền tự mình chấm dứt quan hệ lao động này để tham gia vào một quan hệ lao động khác theo trình tự, thủ tục luật định.

Người sử dụng lao động được tự mình quyết định tuyển người lao động vào thời gian nào, về số lượng lao động được tuyển, những điều kiện tuyển chọn, vị trí tuyển chọn, việc phỏng vấn, thi tuyển,… 

Người sử dụng lao động cũng tự quyết về mức lương sẽ trả, thời gian làm việc cho từng công việc,…

Nguyên tắc bảo vệ người lao động

Trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động luôn tồn tại sự bất bình đẳng. Người lao động phải thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động trong bất kì hoàn cảnh nào, kể cả khi điều kiện lao động, môi trường làm việc dù không thuận lợi. Người sử dụng lao động có quyền quản lý và người sử dụng lao động có nghĩa vụ chấp hành. Từ những điều đó, đặt ra yêu cầu phải bảo vệ người lao động.

Bảo vệ người lao động bao gồm bảo vệ việc làm cho người lao động, đảm bảo người lao động thực thực hiện đúng công việc đã thỏa thuận, trường hợp có sự thay đổi do điều động, chuyển việc,… thì phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Bảo vệ việc làm dài lâu và ổn định.

Bảo vệ thu nhập và đời sống cho người lao động tức là thu nhập của người lao động được đảm bảo thông qua việc quy định về mức lương tối thiểu. Thỏa thuận về mức lương phải tương xứng với sức lao động của người lao động, căn cứ trên năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc, … Bên cạnh đó bảo vệ tiền lương cho lao động nữ, lao động là người khuyết tật, … Các trường hợp bị khất, trừ lương thì mức trừ phải tuân theo pháp luật ở một tỷ lệ nhất định.

Trong quá trình lao động, người lao động được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Người sử dụng lao động và các chủ thể khác phải tôn trọng và đối xử đúng đắn, kể cả khi người lao động vi phạm kỉ luật.

Nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động là đảm bảo các quyền và lợi ích mà pháp luật đã quy định cho người sử dụng lao động được thực hiện, không bị các chủ thể khác xâm hại. Những quyền và lợi ích của luật thương mại được bảo vệ gồm:

– Được sở hữu tài sản hợp pháp trong và sau quá trình lao động, tự cho trong trả lương cho người lao động

-Được tuyển chọn, sử dụng, tăng giảm lao động theo nhu cầu sản xuất, doanh nghiệp

– Được quản lý, điều hành lao động, ban hành nội quy và thực hiệc các chế độ khen thưởng, kỷ luật, chấm dứt hợp đồng đối với người lao động

– Phối hợp với tổ chức công đoàn trong quản lý lao động và kí kết thỏa ước lao động tập thể .

– Được Nhà nước ưu đãi, hỗ trợ nếu gặp khó khăn hoặc đủ các điều kiện khác

– Được đảm bảo bồi thường thiệt hại khi bị xâm hại lợi ích hợp pháp.

– Được tham gia tổ chức của giới sử dụng lao động theo quy định pháp luật.

– Được tôn trọng quyền và lợi ích.

Nguyên tắc bảo đảm và tôn trọng sự thỏa thuận hợp pháp của các bên trong lĩnh vực lao động

Thỏa thuận hợp pháp của các bên là những thỏa thuận hoàn toàn bình đẳng, tự nguyện, không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội,… về quyền, nghĩa vụ, lợi ích, trách nhiệm của mỗi bên trong quá trình tham gia lao động và sử dụng lao động. Quyền tự do thỏa thuận của các bên đã được pháp luật lao động ghi nhận rộng rãi như quyền tự do việc làm, tự do thuê mướn lao động,.. 

Các bên có quyền thỏa thuận về nội dung quan hệ của mình khi xác lập quan hệ hoặc trong quá trình lao động có thể thỏa thuận lại. Thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại; thương lượng, hòa giải để giải quyết tranh chấp;….

Nguyên tắc kết hợp chính sách kinh tế và xã hội

Trong luật lao động, vừa có nội dung kinh tế như thu nhập, lợi nhuận,.. vừa có nội dung xã hội như việc làm, bảo đảm đời sống,… nên luật lao động phải kết hợp hai chính sách kinh tế và xã hội để các chính sách bổ sung cho nhau, điều chỉnh hài hòa các mối quan hệ xã hội. Sự kết hợp này được thể hiện rõ nét trong chế định về việc làm, học nghề, bảo hộ lao động, hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội,…

Nguyên tắc bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế

Việt Nam là thành viên của Tổ chức lao động quốc tế, nên có trách nhiệm thực hiện các quy định của tổ chức này trọng phạm vi điều kiện kinh tế- xã hội. Việc đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế được thể hiện thông qua việc luật hóa các quy định trong công ước quốc tế về lao động, các khuyến nghị mà phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội ở nước ta.

Giải thích từ ngữ trong Luật lao động

Các bạn có thể xem chi tiết Bộ Luật lao động, Bộ luật số 45/2019/QH14 tại đây

Trong Bộ luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

  1. Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật này.

  1. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
  2. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
  3. Tổ chức đại diện người sử dụng lao động là tổ chức được thành lập hợp pháp, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.
  4. Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quan hệ lao động bao gồm quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể.
  5. Người làm việc không có quan hệ lao động là người làm việc không trên cơ sở thuê mướn bằng hợp đồng lao động.
  6. Cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác để ép buộc người lao động phải làm việc trái ý muốn của họ.
  7. Phân biệt đối xử trong lao động là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.

Việc phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên xuất phát từ yêu cầu đặc thù của công việc và các hành vi duy trì, bảo vệ việc làm cho người lao động dễ bị tổn thương thì không bị xem là phân biệt đối xử.

  1. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.

Một số quy định trong Luật lao động

Hợp đồng lao động

Trước khi vào làm việc cho một công ty,các bạn đều sẽ phải ký kết hợp đồng lao động,có thể là hợp đồng không thời hạn,hợp đồng dài hạn,để nắm được quyền và nghĩa vụ cũng như phạm vi công việc, định mức lao động bạn cần phụ trách.Hãy đọc thật kỹ hợp đồng của mình và chắc chắn hợp đồng tuân thủ theo các quy định,thủ tục sau trong luật lao động:

Thời gian thử việc tối đa 2 tháng (trong hai tháng này sẽ các bạn sẽ được hưởng 80 – 85% lương thỏa thuận và chưa được tham gia bảo hiểm xã hội). Sau hai tháng thử việc,người lao động có hợp đồng trên 1 tháng làm việc tại công ty đều được đóng các khoản bảo hiểm như bảo hiểm xã hội,bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn.

Thời gian làm việc vào giờ hành chính tối đa thường rơi vào khoảng 8 giờ/ngày không kể thời gian nghỉ giữa ca làm việc.Đối với các trường hợp tăng ca, làm ca đêm, người lao động phải được hưởng phụ cấp theo quy định (thông thường là 150% lương).

Người lao động cần được đảm bảo phân công đúng công việc trên hợp đồng lao động,được trả lương theo đúng thỏa thuận vào khoảng thời gian thỏa thuận.Trong trường hợp người lao động không được trả đủ lương hoặc không được thanh toán lương đúng thời hạn ghi trên hợp đồng lao động, người lao động hoàn toàn được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Luật lao động về bảo hiểm

Bảo hiểm là một trong những quyền lợi vô cùng thiết thực của người lao động. Ngay sau khi ký hợp đồng lao động chính thức với người lao động, công ty có trách nhiệm phải đóng bảo hiểm cho người lao động với tỷ lệ trích 21.5% và 10.5%. Trong trường hợp doanh nghiệp không đóng bảo hiểm cho người lao động nghĩa là đã vi phạm luật lao động được ban hành mới nhất gần đây. Tất cả những lao động có hợp đồng hơn 1 tháng tại công ty đều phải được đóng bảo hiểm theo thang bảng lương đã đăng ký.

                                                                                                                       Khi tham gia bảo hiểm,người lao động sẽ được hưởng một số quyền lợi như sau bảo hiểm y tế (được hưởng 100% tổng chi phí điều trị hoặc một phần chi phí điều trị), bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp  thai sản, chế độ hưu trí, chế độ tử tuất … 

Đối với nữ giới, chế độ bảo hiểm thai sản,quyết định nghỉ thai sản có thể được coi là một trong những quyền lợi khá lớn khi các bạn sinh con. Khi tham gia bảo hiểm đủ 6 tháng trở lên trong khoản  thời gian 1 năm trước khi sinh con,các bạn sẽ được. Các bạn có thể tham khảo một số quyền lợi như sau:

  • Nghỉ khám thai: Thông thường,theo chế độ các bạn sẽ được nghỉ 1 ngày để đi khám thai định kỳ.Trong  suốt thai kỳ, bạn được nghỉ tổng cộng 5 ngày tính bằng 100% lương của bình quân tiền lương ngày theo mức đóng bảo hiểm trong vòng 6 tháng.
  •  Nghỉ trong trường hợp có rủi ro thai kỳ:Trong thai kỳ, nếu như vì một lý do gì đó, người mẹ phải đình chỉ  thai, các bạn người mẹ sẽ được nghỉ từ 2 đến 50 ngày tùy theo số tuần tuổi của thai nhi.
  • Nghỉ sinh con: Người mẹ nghỉ sinh con sẽ được nghỉ 6 tháng hưởng lương bằng 100% lương của bình quân tiền lương tháng theo mức đóng bảo hiểm trong vòng 6 tháng.

Hiện nay, nam giới cũng sẽ được hưởng chế độ thai sản một lần(trong trường hợp vợ không tham gia bảo hiểm) và hưởng chế độ nghỉ chế độ theo quy định,thủ tục hành chính (từ 5 đến 14 ngày).

Ngoài ra, khi tham gia bảo hiểm đủ số năm theo quy định (20 năm)các bạn sẽ được hưởng chế độ hưu trí. Đây có thể được coi là “khoản để dành” của các bạn khi đã quá tuổi lao động và cũng là một  trong những quyền lợi vô cùng thiết thực khi tham gia bảo hiểm xã hội.

Người lao động cần phải nắm rõ được những quyền lợi này để tránh bị mất quyền lợi. Đây là một trong những quyền lợi cơ bản của các bạn khi làm việc cho một tổ chức có hồ sơ pháp lý đầy đủ.

Nhìn chung, trước khi chính thức ký hợp đồng với một công ty, nếu như không đóng bảo hiểm, các bạn nên cân nhắc kỹ về quyết định của mình.Khi không có bảo hiểm, sự “ràng buộc” với công ty không cao; đồng thời bạn sẽ không được hưởng rất nhiều chế độ.Tốt hơn hết, hãy tìm cho mình một công ty đảm bảo đầy đủ các chế độ phúc lợi và môi trường làm việc tốt.

Tranh chấp trong lao động

Theo luật lao động quy định ,cơ sở quan trọng để giải quyết các vấn đề tranh chấp là hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể. Các bạn khi vào làm việc, cần phải nắm vững nội dung của hai hồ sơ này để bảo vệ quyền lợi của bản thân khi phát sinh tranh chấp như trả lương không đúng thời hạn, trả lương không theo hợp đồng, điều chuyển công tác không đúng như thỏa thuận ban đầu mà không nhận được sự đồng ý của người lao động.

Một số công ty có mẫu hợp đồng lao động khá chung chung và không quy định rõ ràng về các quyền lợi người lao động được hưởng.Vì vậy, trước khi ký kết, hãy tham khảo các mẫu hợp đồng lao động mới nhất và suy nghĩ, đọc thật kỹ để tránh trường hợp khi phát sinh tranh chấp lại không có bằng chứng nào để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Phân tích về mối quan hệ đại diện các bên trong lao động:

Sự xuất hiện đại diện các bên quan hệ lao động là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường và phản ánh sự thay đổi về chất của hoạt động giải quyết mâu thuẫn kinh tế trong quan hệ lao động hiện đại. Đó là bước chuyển của quy trình giải quyết xung đột lợi ích lao động từ cấp độ cá nhân chuyển sang cấp độ tập thể. Theo quy luật chung của sự vận động, sự vật, hiện tượng luôn hướng đến sự hoàn thiện.

Như vậy khi nghiên cứu về đại diện trong quan hệ lao động cần chú ý một số điểm:

Thứ nhất, sự ra đời, xuất hiện của tổ chức đại diện là nhu cầu có tính tự thân và tất yếu trong quan hệ lao động kể từ khi sức lao động được coi là hàng hóa và người lao động với tư cách là người tự do đem nó ra trao đổi, mua bán trên thị trường. Nó không phải là kết quả từ ý chí của nhà nước hay mong muốn chủ quan của bất cứ ai.

Thứ hai, tổ chức đại diện trong quan hệ lao động về bản chất là tổ chức tự nguyện và vận hành theo cơ chế thành viên. Tuy nhiên, sự tự nguyện này chỉ thực sự tồn tại khi các cá nhân có cơ hội để lựa chọn và như vậy việc thừa nhận một thị trường lao động tồn tại nhiều tổ chức đại diện dường như là điều kiện thiết yếu và đương nhiên của tự do lựa chọn tổ chức đại diện.

Thứ ba, để đảm bảo tính chân thực và hiệu quả của hoạt động đại diện trong quan hệ với các chủ thể khác trong cơ chế hai bên (người lao động và người sử dụng lao động) hay ba bên (nhà nước, công đoàn và người sử dụng lao động) tổ chức đại diện không nên có những lệ thuộc vào bất kỳ đối tác nào, đặc biệt về phương diện tổ chức hay tài chính.

Như vậy, đại diện các bên quan hệ lao động là sản phẩm của nền kinh tế thị trường, bao gồm (các) tổ chức độc lập của bên lao động và bên sử dụng lao động, được lập ra theo ý chí, nguyện vọng của cá nhân người lao động và người sử dụng lao động nhằm thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ, duy trì và phát triển lợi ích của mỗi bên trong mối quan hệ của họ đổi với nhau cũng như với các chủ thể khác trong thị trường lao động.

 

KẾT LUẬN:

Trên đây là một số thông tin và những điều liên quan về Luật lao động Việt Nam. Tuy vẫn còn những điều bất cập nhưng sự ra đời và đã qua sửa đổi của bộ Luật này đã đảm bảo những quyền lợi hợp pháp của người lao động. Mong rằng trong tương lai bộ Luật sẽ được chỉnh sửa hoàn thiện hơn. Đừng quên theo dõi BEPRO để không bỏ lỡ những kiến thức bổ ích nhé! Hoặc tham khảo thêm các dịch vụ của BEPRO tại đây bạn nhé!

Liên kết trang web

Liên kết fanpage

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI VIẾT MỚI NHẤT