Con người khi sinh ra và lớn lên đều bị ràng buộc bởi những mối quan hệ pháp lý. Trong đó, quốc tịch được xem là mối quan hệ pháp lý quan trọng và đặc biệt cần thiết của mỗi người. Vậy quốc tịch là gì? Quốc tịch tại Việt Nam được quy định ra sao? Cùng BePro tìm hiểu những vấn đề trên thông qua bài viết dưới đây nhé!

Quốc tịch là gì?

Quốc tịch là mối quan hệ pháp lý giữa một cá nhân và một quốc gia có chủ quyền. Nếu một người có quốc tịch của một quốc gia thì người đó được gọi là công dân của quốc gia đó. Quốc tịch ban cho quốc gia thẩm quyền pháp lý đối với cá nhân và cho phép cá nhân nhận được sự bảo vệ của quốc gia mà họ có quốc tịch. Các quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể khác nhau mà cá nhân đó có được sẽ tùy theo quốc gia mà người đó mang quốc tịch. 

Tại Việt Nam, theo Điều 1 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam. 

Đa số người mang quốc tịch Việt Nam là những người sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có một số ít những người lấy quốc tịch Việt Nam bằng cách nhập tịch. Việc người nước ngoài và người không quốc tịch đáp ứng đủ các điều kiện để được vào quốc tịch Việt Nam thì được gọi là nhập quốc tịch Việt Nam.

Quốc tịch là gì được định nghĩa theo nhiều cách hiểu khác nhau. Nhìn chung, quốc tịch thể hiện mối quan hệ pháp lý có tính chất lâu dài, bền vững, ổn định, không bị giới hạn, giữa một cá nhân với một chính quyền nhà nước nhất định. Đây được xem là tổng thể các quy phạm pháp luật, điều chỉnh mối quan hệ xã hội phát sinh trong các điều kiện: có, mất, thôi, tước, hủy, trở lại quốc tịch.

Tại Việt Nam, các vấn đề về quốc tịch được Nhà nước quy định tại:

  • Hiến pháp
  • Luật Quốc tịch năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014
  • Nghị định số 16/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam. 

Đặc điểm của quốc tịch là gì?

Sau khi tìm hiểu về định nghĩa, một khía cạnh khác quan trọng không kém của quốc tịch chính là đặc điểm của quốc tịch là gì? Theo đó, một số đặc điểm quan trọng của quốc tịch được thể hiện như sau: 

Có tính ổn định và bền vững về không gian và thời gian 

Về không gian:

Mối quan hệ pháp lý giữa quốc gia và cá nhân mang quốc tịch là hoàn toàn không bị hạn chế, điều này thể hiện ở chỗ: Khi đã mang quốc tịch và trở thành công dân của một quốc gia nào đó thì mỗi công dân phải luôn chịu sự chi phối và tác động về mọi mặt từ quốc gia đó, không kể họ đang cư trú ở đâu, trong hay ngoài nước và tại nơi họ cư trú họ có các quyền và nghĩa vụ pháp lý như nhau.

Về thời gian:

Thông thường, một người ngay khi sinh ra đã mang một quốc tịch, tức là có mối liên hệ với ít nhất một quốc gia nhất định. Mối liên hệ này sẽ gắn bó suốt quá trình sống của người đó từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, trừ những trường hợp đặc biệt (xin thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch…). Đối với những người nước ngoài đã xin nhập quốc tịch của một quốc gia thì mối quan hệ này tồn tại dài hay ngắn là phụ thuộc vào thái độ của người đó đối với quốc gia mà họ mang quốc tịch (tích cực hay không tích cực).

Quốc tịch thể hiện mối quan hệ pháp lý có tính hai chiều giữa nhà nước và công dân

Đây là cơ sở để xác định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Khi mang quốc tịch của một quốc gia nào đó, thì công dân được hưởng những quyền lợi đồng thời phải gánh vác các nghĩa vụ đối với nhà nước của họ. Ngược lại, các quyền của công dân cũng chính là các nghĩa vụ mà quốc gia phải thực hiện nhằm đảm bảo tốt nhất các quyền và nghĩa vụ của công dân, đồng thời là các quyền của quốc gia đó.

Tính cá nhân của quốc tịch

Quốc tịch gắn bó với bản thân mỗi cá nhân nhất định và không thể chia sẻ cho người khác. Việc thay đổi quốc tịch của một người không thể làm quốc tịch của người khác thay đổi theo.

Quốc tịch vừa mang tính quốc tế, vừa là đối tượng điều chỉnh của pháp luật quốc gia

Trong quan hệ quốc tế, quốc tịch là cơ sở để quốc gia tiến hành bảo hộ ngoại giao cho công dân của mình. Đây là cơ sở để quốc gia từ chối tiến hành dẫn độ tội phạm đối với công dân mình (trừ những trường hợp có điều ước quốc tế quy định về dân độ).

Căn cứ xác định quốc tịch Việt Nam 

Sau khi đã có những kiến thức nền tảng về định nghĩa quốc tịch là gì và các đặc điểm của quốc tịch là gì, BePro xin chia sẻ đến bạn đọc các căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam, cụ thể: 

Trẻ em sinh ra có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mang quốc tịch Việt Nam

Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam

Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai

Được nhập quốc tịch Việt Nam

Được trở lại quốc tịch Việt Nam

Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ

Trường hợp con chưa thành niên khi cha mẹ được nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam 

Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam

Trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam

Trẻ em là người nước ngoài được cha mẹ mà một người là công dân Việt Nam, còn người kia là nước ngoài nhận làm con nuôi thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam

Theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 

Điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam

Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam:

Có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam

– Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam

– Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam. Theo đó, biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam là khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.

– Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam. Theo đó, người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải là người đang thường trú tại Việt Nam và đã được Cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú. Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp Thẻ thường trú.

– Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam. Theo đó, khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

Trường hợp người xin nhập quốc tịch không đáp ứng các điều kiện về biết tiếng Việt:

Thường trú tại Việt Nam từ 5 năm trở lên và khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam, người xin nhập quốc tịch vẫn có thể được nhập quốc tịch Việt Nam nếu thuộc một trong những trường hợp sau:

– Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam

– Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Theo đó, người có công lao đặc biệt đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phải là người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó trên cơ sở hồ sơ, ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan và quy định của pháp luật chuyên ngành.

– Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, người mà việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là người có tài năng thực sự vượt trội trong lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục, đã dành được giải thưởng quốc tế, huân chương, huy chương hoặc được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng nhận và cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về tài năng và có cơ sở cho thấy việc người được nhập quốc tịch Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển lĩnh vực nói trên của Việt Nam sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam.

Trường hợp người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài

Theo Điều 9 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, người xin nhập quốc tịch Việt Nam nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây thì được coi là trường hợp đặc biệt và được trình Chủ tịch nước xem xét việc cho nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài:

– Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.

– Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

– Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.

– Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng.

– Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Kết luận

Bài viết trên nhằm chia sẻ một số kiến thức về quốc tịch là gì? Hy vọng bài viết hữu ích với bạn. Đừng quên theo dõi BEPRO để không bỏ lỡ những kiến thức bổ ích nhé! Hoặc tham khảo thêm các dịch vụ của BEPRO tại đây bạn nhé!

Liên kết trang web

Liên kết fanpage

 

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI VIẾT MỚI NHẤT