Thị thực là một khái niệm tuy lạ mà quen. Hãy cùng tìm hiểu về thị thực về những vấn đề liên quan ngay nhé!

Thị thực là khái niệm thường gặp trong đời sống khi xuất, nhập cảnh. Tuy nhiên, đa số mọi người đều hiểu sai ý nghĩa của thị thực hoặc nhầm lẫn với hộ chiếu.

Trong bài viết này, hãy cùng Bepro tìm hiểu về thị thực nhé!

Thị thực là gì?

Theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, thị thực là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Thị thực khi dịch sang tiếng anh là “visa”. “Visa” là từ được dùng nhiều hơn và được nhiều người biết đến hơn so với thuật ngữ thị thực quy định trong Luật.

Theo khoản 2 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019, thị thực được cấp vào hộ chiếu, cấp rời hoặc cấp qua giao dịch điện tử. Thị thực cấp qua giao dịch điện tử là thị thực điện tử.

Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần; thị thực điện tử chỉ có giá trị một lần.

Hiện nay, thị thực không được chuyển đổi mục đích, trừ các trường hợp sau đây:

– Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;

– Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh;

– Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động;

– Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Giá trị và thời hạn của các loại thị thực

Có mấy loại thị thực?

Theo Điều 8 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019), có 27 loại thị thực với ký hiệu như sau:

Tên Người được cấp
NG1  Cấp cho thành viên đoàn khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
NG2  Cấp cho thành viên đoàn khách mời của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; thành viên đoàn khách mời cùng cấp của Bộ trưởng và tương đương, Bí thư tỉnh ủy, Bí thư thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
NG3  Cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ.
NG4  Cấp cho người vào làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi cùng đi; người vào thăm thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ.
LV1  Cấp cho người vào làm việc với các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
LV2  Cấp cho người vào làm việc với các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
LS  Cấp cho luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.
ĐT1  Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên hoặc đầu tư vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quyết định.
ĐT2  Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng hoặc đầu tư vào ngành, nghề khuyến khích đầu tư phát triển do Chính phủ quyết định.
ĐT3  Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 03 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.
ĐT4 Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị dưới 03 tỷ đồng.
DN1  Cấp cho người nước ngoài làm việc với doanh nghiệp, tổ chức khác có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam.
DN2  Cấp cho người nước ngoài vào chào bán dịch vụ, thành lập hiện diện thương mại, thực hiện các hoạt động khác theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
NN1  Cấp cho người là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
NN2 Cấp cho người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hoá, tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam.
NN3 Cấp cho người vào làm việc với tổ chức phi chính phủ nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hoá và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam.
DH  Cấp cho người vào thực tập, học tập.
HN Cấp cho người vào dự hội nghị, hội thảo.
PV1 Cấp cho phóng viên, báo chí thường trú tại Việt Nam.
PV2  Cấp cho phóng viên, báo chí vào hoạt động ngắn hạn tại Việt Nam.
LĐ1 Cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
LĐ2  Cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện phải có giấy phép lao động.
DL Cấp cho người vào du lịch.
TT  Cấp cho người nước ngoài là vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của người nước ngoài được cấp thị thực ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2 hoặc người nước ngoài là cha, mẹ, vợ, chồng, con của công dân Việt Nam.
VR  Cấp cho người vào thăm người thân hoặc với mục đích khác.
SQ  Cấp cho các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật này (Người có quan hệ công tác với cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực Việt Nam ở nước ngoài và vợ, chồng, con của họ hoặc người có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền Bộ Ngoại giao nước sở tại; Người có công hàm bảo lãnh của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự các nước đặt tại nước sở tại).
EV Thị thực điện tử

Thời hạn của thị thực

– Thị thực ký hiệu SQ, EV có thời hạn không quá 30 ngày.

– Thị thực ký hiệu HN, DL có thời hạn không quá 03 tháng.

– Thị thực ký hiệu VR có thời hạn không quá 06 tháng.

– Thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, ĐT4, DN1, DN2, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2 và TT có thời hạn không quá 12 tháng.

– Thị thực ký hiệu LĐ1, LĐ2 có thời hạn không quá 02 năm.

– Thị thực ký hiệu ĐT3 có thời hạn không quá 03 năm.

– Thị thực ký hiệu LS, ĐT1, ĐT2 có thời hạn không quá 05 năm.

Thị thực hết hạn, được xem xét cấp thị thực mới. Thời hạn thị thực ngắn hơn thời hạn hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế ít nhất 30 ngày. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thời hạn thị thực cấp theo điều ước quốc tế.

Trình tự thủ tục cấp thị thực cho người nước ngoài

Hồ sơ đề nghị cấp cấp thị thực cho người nước ngoài

Thành phần hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau:

+ Tờ khai đề nghị cấp, bổ sung, sửa đổi thị thực và gia hạn tạm trú theo quy định.

+ Hộ chiếu

+ Giấy tờ chứng minh thuộc diện xem xét cấp thẻ tạm trú là một trong các loại giấy tờ như:

Giấy phép lao động, Giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, Giấy chứng nhận đầu tư; chứng nhận đăng ký kết hôn và Giấy khai sinh, Giấy tờ chứng minh quan hệ gia đình…

+ Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.

Như vậy để thực hiện thủ tục đề nghị cấp thị thực cho người nước ngoài tại Việt Nam cần thực hiện đầy đủ theo quy định về chuẩn bị hồ sơ như nêu trên.

Trình tự đề nghị cấp cấp thị thực cho người nước ngoài

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo quy định như chúng tôi đã nêu trên

Bước 2: Thực hiện nộp hồ sơ:

  1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân, công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, nộp hồ sơ tại trụ sở làm việc của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
  2. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:

+ Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì nhận hồ sơ, in giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ ký và yêu cầu nộp lệ phí cho cán bộ thu lệ phí. Cán bộ thu lệ phí nhận tiền, viết biên lai thu tiền và giao giấy biên nhận cùng biên lai thu tiền cho người nộp hồ sơ.

+ Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn người nộp bổ sung hồ sơ cho đầy đủ.

Thời gian nộp hồ sơ: từ thứ 2 đến sáng thứ 6 hàng tuần (trừ ngày tết, ngày lễ).

Bước 3: Công dân nhận kết quả:

+ Người đến nhận kết quả đưa giấy biên nhận, giấy chứng minh nhân dân cho cán bộ trả kết quả kiểm tra, đối chiếu; cán bộ trả kết quả yêu cầu người đến nhận kết quả ký nhận và trả kết quả.

+ Thời gian: từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày lễ, ngày tết).

Thời hạn giải quyết: Theo quy định là không quá 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ.

Đối tượng thực hiện: Cơ quan, tổ chức và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Cơ quan thực hiện: Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Cấp thị thực cho người nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài

KẾT LUẬN

Bài viết đã cung cấp một số thông tin về thị thực và trình tự xin cấp thị thực cho người nước ngoài tại Việt Nam. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn. Đừng quên theo dõi BEPRO để không bỏ lỡ những kiến thức bổ ích nhé! Hoặc tham khảo thêm các dịch vụ của BEPRO tại đây bạn nhé!

Liên kết trang web

Liên kết fanpage

 

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI VIẾT MỚI NHẤT